Với thông điệp "Trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ xã hội là người thân", những năm qua, Trung tâm đã nuôi dưỡng các em từ thể chất, tri thức đến tâm hồn. Bằng tình yêu thương, sự sẻ chia và trách nhiệm, những người làm công tác xã hội tại đây đã tận tình chăm lo, bù đắp phần nào những thiệt thòi, mở ra con đường tương lai tươi sáng cho các em.
Những người mẹ đặc biệt
Tròn 20 năm gắn bó với công việc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, ký ức của bà Trương Thị Ngọc Yến (51 tuổi) về những ngày đầu đến với Trung tâm vẫn còn nguyên vẹn. Bước vào nghề với nhiệm vụ chăm sóc trẻ, những ngày đầu thử việc, bà Yến nghĩ mình sẽ không làm được. Lúc đó điều kiện ở Trung tâm còn nhiều khó khăn, trong khi đa số trẻ đều thuộc diện khuyết tật, bại não, bại liệt… Thế nhưng, trong quá trình tiếp xúc với các cháu, tình thương, sự cảm thông trong bà lớn dần lên. Rồi những đêm trực, ngủ lại Trung tâm, nghe đồng nghiệp kể về hoàn cảnh của các bé, về những câu chuyện làm nghề đã tạo động lực để bà Yến vượt qua trở ngại tâm lý, quyết tâm theo nghề để cùng chung tay chăm lo, đem tình thương yêu đến xoa dịu bớt nỗi đau cho các em.
Từng ấy năm gắn bó với nghề, bằng sự cảm thông sâu sắc với những thiếu thốn của trẻ, bà Yến đã chăm sóc dạy dỗ, giúp các em dần phục hồi chức năng, dạy các em biết thêm nhiều điều hay, lẽ phải. Niềm vui lớn nhất là khi một đứa trẻ tìm được mái ấm thứ hai hay khi các em tìm được cho mình một nghề nghiệp cho tương lai.
Với những nỗ lực của bản thân suốt chặng đường cống hiến cho nghề công tác xã hội, từ một nhân viên chăm sóc trẻ, giờ bà Yến là Trưởng phòng Quản lý chăm sóc, Y tế và phục hồi chức năng của Trung tâm. Dù ở cương vị nào, bà cũng luôn gần gũi, tận tụy chăm lo giúp các em phục hồi chức năng, yêu thương và cho các em cảm nhận được tình cảm gia đình dưới mái nhà chung.
Trong câu chuyện về nghề của mình, bà Yến không giấu được ánh mắt xót xa khi nhắc đến những đứa con không may mắn phải gắn bó với Trung tâm suốt đời và phải mất đi tuổi thơ vì mang bệnh tật. "Niềm hy vọng lớn lao của mình là ngày càng ít đi những số phận trẻ khuyết tật, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, để bớt đi những tiếng khóc nhói lòng của các cháu" - bà Yến chia sẻ.
Với bà Nguyễn Thị Hạnh (55 tuổi), hơn 19 năm gắn bó với nghề đã cho bà nhiều cảm xúc và kỷ niệm khó quên. Cũng như nhiều nhân viên khác, những ngày đầu làm việc ở Trung tâm khiến bà rất trăn trở. Các trẻ em ở đây luôn khao khát có được tình yêu thương của mọi người. Từ sự đồng cảm, sẻ chia rồi dần lớn lên thành tình yêu thương, những cảm xúc ấy đã trở thành động lực thôi thúc để bà tận tâm hơn, trách nhiệm hơn trong công việc. Từ đó, bà gắn bó và trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những đứa trẻ.
Với bà Hạnh, không có gì khó nhọc trong công việc chăm sóc nhóm trẻ sơ sinh, nhóm trẻ khuyết tật. Những đứa trẻ như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. "Không vào trung tâm chừng 1-2 ngày, vắng tiếng gọi "má", thiếu tiếng khóc, tiếng cười ngây thơ của mấy đứa trẻ là mình thấy buồn. Đó là động lực, là nguồn an ủi để mình phấn đấu chăm sóc tốt cho các cháu", bà Nguyễn Thị Hạnh tâm sự.
Cho trẻ tự tin hòa nhập
Xác định tầm quan trọng của việc đưa trẻ vào đúng môi trường giáo dục, giúp trẻ có kiến thức, phát huy hết năng lực sở trường để có tương lai tốt hơn, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long quan tâm thực hiện công tác giáo dục trẻ. Tại trung tâm, các trẻ nhỏ được học ở lớp dành cho trẻ mẫu giáo, được học hát, học vẽ, học phát triển các kỹ năng cần thiết. Còn với nhóm trẻ lớn hơn, Trung tâm cho các em được đến trường học tập với đầy đủ các điều kiện như bạn bè.
Bà Trương Thị Ngọc Yến cho biết, hằng ngày, các nhân viên của Trung tâm thay phiên nhau đưa các em đến trường, đồng thời liên kết với nhà trường, giáo viên, thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, tâm lý để có hướng điều chỉnh, giúp các em hòa nhập tốt nhất với bạn bè. Đặc biệt, đối với nhóm trẻ lớn, Trung tâm cũng quan tâm định hướng nghề nghiệp, giáo dục các em lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu xã hội và năng lực của bản thân.
Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp, vận động các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tổ chức nhiều chương trình hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, từ đó giúp các em cởi mở hơn trong giao tiếp, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Gắn bó với công tác thiện nguyện tại Trung tâm nhiều năm qua, thầy Lê Trung Lành, Tổng Phụ trách đội Trường Tiểu học Phú Quới C, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, không chỉ là người trực tiếp hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi, phát triển, mà còn là cầu nối, mang những tấm lòng của các nhà hảo tâm đến với các em, giúp các em có thêm điều kiện học tập, sinh hoạt bổ ích hơn dưới mái nhà chung này. Hằng tuần, thầy dành hai ngày để đến ôn bài, rèn chữ, giải đáp thắc mắc và giúp các em nhớ bài tốt hơn.
Đặc biệt, thầy Lành thường phối hợp với Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động như các trò chơi dân gian, vui trung thu, chào đón xuân mới, sinh hoạt kỹ năng sống, dã ngoại… Trong các hoạt động, thầy luôn là người khởi xướng, tích cực tham gia và mang lại tiếng cười sảng khoái, nhiều bài học bổ ích cho các em, qua đó truyền cảm hứng sống tích cực, tinh thần năng động, sáng tạo đến những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt của Trung tâm.
Em Phạm Xuân Hồng (9 tuổi) chia sẻ: "Mỗi lần thầy đến đều dạy tụi con rất nhiều. Thầy còn cho chơi nhiều trò chơi, vừa giúp vận động vừa tập cho con mạnh dạn hơn. Nhờ thầy, chúng con tự tin hơn khi tham gia các hoạt động tập thể ở trường".
Theo Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tấn Hùng, nhờ sự hỗ trợ của các nhân viên chăm sóc, của thầy Lành và nhiều nhà hảo tâm, các trẻ em của Trung tâm luôn cố gắng rèn luyện và học tập tốt, nhiều em đang theo đuổi ước mơ trên giảng đường đại học. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình là sát cánh, dạy dỗ các em thành người có ích. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng với những người đang chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm thì điểm chung chính là sự sẻ chia và tình yêu thương đối với các cháu. Đây chính là động lực giúp họ vượt qua những lo lắng, khó khăn của nghề để trở thành người mẹ thứ hai và là điểm tựa tinh thần vững chắc cho những đứa trẻ kém may mắn của Trung tâm.
Nguồn bài viết : Thống Kê Vietlott